Indiana Jones and the Great Circle: Làn gió phiêu lưu thổi bùng đam mê hậu Uncharted!
Giữa thời điểm thiếu vắng những game phiêu lưu hành động theo tuyến truyện trên PS5, The Great Circle không chỉ mang đến cảm giác điện ảnh quen thuộc mà còn được tối ưu rất tốt cho hệ máy Sony, từ hiệu ứng ánh sáng cho tới hỗ trợ xúc giác đầy tinh tế của tay cầm DualSense.

Kể từ khi Nathan Drake khép lại hành trình của mình trong Uncharted 4: A Thief’s End, những ai yêu thích thể loại hành động – phiêu lưu đã luôn cảm thấy thiếu vắng một trải nghiệm tương tự: một cuộc truy tìm cổ vật đậm chất điện ảnh, pha trộn giữa hành động nghẹt thở và những khoảnh khắc chìm trong bí ẩn lịch sử. Dòng Uncharted lấy cảm hứng sâu sắc từ loạt phim Indiana Jones, và giờ đây, đến lượt chính Indiana Jones mang cảm hứng ấy trở lại với thế giới game trên PlayStation.
Hãng phát hành Bethesda Softworks rõ ràng không ngại việc so sánh Uncharted và Indiana Jones. Trong trailer giới thiệu phiên bản PS5 mà hãng đăng tải, diễn viên Troy Baker – người thủ vai Indiana Jones trong The Great Circle và Sam Drake trong Uncharted 4 – đã có dịp ngồi trò chuyện cùng Nolan North, gương mặt gắn liền với Nathan Drake trong loạt game Uncharted độc quyền của PlayStation.
Đây là cuộc gặp gỡ thú vị giữa hai biểu tượng phiêu lưu hành động của làng game, khoảnh khắc hai diễn viên cùng chia sẻ về vai diễn của mình chẳng khác nào một hành trình tuyệt vời được khép lại một cách đầy trọn vẹn và cũng là một ẩn dụ tuyệt đẹp để mở ra cuộc phiêu lưu mới trong The Great Circle.

Khoảnh khắc khó quên khi Troy Baker (trái) và Nolan North trong video giới thiệu phiên bản Indiana Jones and The Great Circle cho PS5.
Tựa game đến từ MachineGames (đội ngũ phát triển đứng sau loạt Wolfenstein) và nay với hiệu ứng xúc giác từ tay cầm DualSense cùng phiên bản nâng cấp dành riêng cho PS5 Pro, không ngoa khi nói rằng PS5 chính là console lý tưởng nhất để đắm mình vào cuộc săn kho báu đầy chất hành động (và cả roi da huyền thoại nữa).
Chuyến phiêu lưu bắt đầu
Lấy bối cảnh sau Raiders of the Lost Ark nhưng trước The Last Crusade, chuyến phiêu lưu mới nhất của Indiana Jones đưa nhà khảo cổ học bước vào cuộc hành trình xuyên lục địa, sau khi một cổ vật xác ướp mèo Ai Cập (Cat Mummy) bị đánh cắp ngay tại trường đại học nơi ông giảng dạy.
Chuyến hành trình xuyên lục địa đưa bạn khám phá những bí ẩn tại Vatican và các lăng mộ nằm sâu bên dưới Kim Tự Tháp Giza. Cốt truyện không thể nói là đột phá, nhưng lại cực kỳ cuốn hút và vừa vặn với thế giới Indiana Jones, như thể một mảnh ghép còn thiếu cuối cùng được đặt đúng chỗ.

Game thủ sẽ chu du khám phá nhiều vùng đất trên thế giới
Nếu là người yêu thích loạt phim Indiana Jones, chắc chắn bạn sẽ bắt gặp vô số chi tiết và lời thoại gợi nhớ, hay thậm dựng lại nguyên vẹn các phân cảnh và địa danh mang tính biểu tượng từ loạt phim gốc. Rõ ràng, MachineGames dành rất nhiều tâm huyết và tình cảm cho thương hiệu này, và họ đã mang thế giới của phim sống dậy một cách xuất sắc nhờ đồ họa, âm thanh, kịch bản và trên hết là bầu không khí, chất “phiêu lưu cổ điển” đúng chất Indiana Jones.

Chắc hẳn fan Indiana Jones sẽ nhận ra cảnh này
Tuy nhiên, tâm điểm chính là màn hóa thân xuất thần của Troy Baker trong vai Indiana Jones. Khi thông tin ban đầu cho biết Harrison Ford sẽ góp mặt qua khâu tạo hình, nhưng phần thoại do Baker đảm nhận, nhiều người đã không khỏi nghi ngờ. Nhưng chỉ cần vài phút đầu game, mọi hoài nghi lập tức tan biến, màn trình diễn của Baker thực sự ấn tượng.
Từ những lời thoại lém lỉnh, nụ cười nửa miệng qua motion capture, đến cách ngắt nhịp và lên xuống giọng đầy tinh tế, Baker đã tái hiện hoàn hảo phong thái của Ford. Nhờ phần kịch bản chuẩn xác và công nghệ ghi hình khuôn mặt sắc nét đến kinh ngạc, không hề có cảm giác “giả tạo”, bạn sẽ nhanh chóng quên mất rằng người thủ vai lần này không phải chính Ford.

Tạo hình và lồng tiếng là điểm cộng lớn của game.
Một điểm cộng lớn khác chính là dàn diễn viên phụ tuyệt vời hỗ trợ Troy Baker, với Alessandra Mastronardi trong vai Gina Lombardi – người bạn đồng hành mới của Indy, và Marios Gavrilis hóa thân thành phản diện Emmerich Voss đầy mưu mô. Tất cả đều thể hiện rất ăn ý, mang lại đúng tinh thần của một bom tấn phiêu lưu đậm chất điện ảnh cổ điển.
Chất phim hành động cổ điển ấy cũng thấm đẫm trong câu chuyện, với truyền thuyết cổ đại và các bí ẩn trải rộng khắp thế giới. Cảm giác khám phá cứ thế lan tỏa, khi người chơi bước vào những hầm mộ bị chôn vùi suốt hàng ngàn năm. Bí ẩn trung tâm của game đủ sức giữ chân người chơi đến phút cuối, dẫn dắt câu chuyện đi đến những vùng đất bất ngờ và cực kỳ thú vị.
Nhìn thế giới qua con mắt của Indiana Jones
Nói đến bất ngờ, nhiều người từng không khỏi ngạc nhiên khi game chọn góc nhìn thứ nhất ngay từ lúc được công bố. MachineGames đã rất có kinh nghiệm với những game FPS, nhưng với một nhân vật như Indiana Jones – vốn đã gắn liền với hình ảnh biểu tượng – góc nhìn thứ ba dường như sẽ là lựa chọn hiển nhiên hơn và có lẽ là do chúng ta đã quá quen với Uncharted.

Góc nhìn thứ nhất sẽ khiến nhiều người bỡ ngỡ
Tuy nhiên, ngay từ phân cảnh mở màn cực kỳ ấn tượng, MachineGames đã cho thấy vì sao góc nhìn thứ nhất lại là lựa chọn hoàn toàn hợp lý. The Great Circle khai thác tối đa những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong môi trường game: từ bóng đổ trên những bức tường hầm mộ cổ cho đến những khung cảnh hùng vĩ trải dài khắp các địa điểm khác nhau. Tất cả đều mang đậm chất điện ảnh, thậm chí game còn cung cấp hiển thị khung hình siêu rộng cho những ai muốn đắm chìm trong trải nghiệm điện ảnh.
Game thật sự muốn chúng ta nhìn thế giới qua đôi mắt của Indy: từ khám phá, giải đố cho đến chiến đấu. Việc chứng kiến rõ những biểu cảm đau đớn trên gương mặt bầm dập của kẻ địch khi tung cú đấm là một trải nghiệm thị giác ấn tượng.
Thật sự mà nói, tôi khá ổn với góc nhìn thứ nhất, nhưng có một vấn đề là game thỉnh thoảng chuyển sang góc nhìn thứ ba khi nhân vật bám vào mép đá, đu dây bằng roi da hay len qua những khe hẹp. Rõ ràng, đội ngũ phát triển vẫn muốn đưa những ảnh hành động mang tính biểu tượng của Indiana Jones vào game càng nhiều càng tốt, dù thực tế thì điều đó không thật sự cần thiết.

Trò chơi vốn đã khéo léo thể hiện bóng dáng của Indy thông qua phần đổ bóng trong các tình huống khác nhau, và các đoạn cắt cảnh cũng vô cùng chân thật, nên việc chuyển góc nhìn chỉ như một nỗ lực nhằm chiều lòng những ai vẫn còn e dè với góc nhìn thứ nhất.
Quan trọng là những pha chuyển góc nhìn này khiến mạch chơi bị khựng lại, làm gián đoạn cảm giác liền mạch vốn được xây dựng rất tốt nhờ hệ thống điều khiển đơn giản và hoạt ảnh mượt mà. Hãy thử tượng tượng mỗi lần bạn cần leo trèo hay đu dây là một lần lại phải chuyển sang góc nhìn thứ ba, ban đầu có thể thấy cũng hay hay, nhưng chỉ sau một lúc là nhận ra ngay nhịp chơi bị thay đổi.

Những đoạn leo trèo chuyển sang góc nhìn thứ ba có thể làm ảnh hưởng mạch game
Trừ điều này ra, game làm rất tốt trong việc giữ trải nghiệm liền lạc. Ngay trong lần quay trở lại game sau khi tạm dừng và thoát ra, bạn sẽ thấy Menu đầu game rất khác biệt, thay vì một hình nền để chờ người chơi chọn Continue và tải màn chơi, The Great Circle hiển thị ngay giao diện tạm dừng với góc nhìn thứ ba, khi bấm Continue sẽ lập tức chuyển sang góc thứ nhất để chơi ngay.

Màn hình vào game rất ấn tượng
Bản đồ cũng là một điểm cộng tăng trải nghiệm liền mạch trong game, thay vì phải tạm dừng khi mở giao diện bản đồ, Indy sẽ lấy ra một tấm bản đồ thật, với mũi tên chỉ hướng nhân vật và địa điểm nhiệm vụ. Đây không phải là cách mới vì trước đó đã xuất hiện trong nhiều game như The Last of Us Part II hay Uncharted The Lost Legacy, trong The Great Circle bạn có thể vừa đi vừa xem bản đồ luôn, rất tiện lợi và không ảnh hưởng đến mạch game.

Đến bản đồ cũng được làm một cách tốt nhất để không cản trở mạch game
Sự liền mạch này kết hợp rất tốt với chất lượng đồ hoạ ấn tượng của game, tạo nên một trải nghiệm hình ảnh khó quên. MachineGames tối ưu bản PS5 xoay quanh mục tiêu 60fps, với RTGI (ray-traced global illumination) là phương thức ánh sáng mặc định xuyên suốt trò chơi. Không có bất kỳ chế độ đồ họa nào để chuyển đổi, cũng không có tùy chọn 30fps nhằm đẩy chất lượng hình ảnh lên cao hơn, nhưng đổi lại, người chơi có được một trải nghiệm mượt mà từ đầu đến cuối.
So sánh giữa các nền tảng, kết quả cho thấy sự khác biệt không nhiều. Nhìn chung, các thiết lập đồ họa cốt lõi như chất lượng texture, độ phân giải bóng đổ hay mức độ chi tiết môi trường trong các khu rừng đều giống nhau trên Series X, PS5 và PS5 Pro. Thực chất, thiết lập này giới hạn số lượng vật thể trong khung cảnh được ảnh hưởng bởi ánh sáng khuếch tán từ ray tracing, và vẫn hoạt động dưới mức preset của bản PC. Đây là sự đánh đổi cần thiết để duy trì mức 60fps ổn định trên console mà vẫn giữ được RTGI và nhìn chung kết quả mang lại vẫn rất ấn tượng.

Hiệu ứng ánh sáng trong The Great Circle cực kỳ ấn tượng [Ảnh 9]
Chất lượng hiệu ứng ánh sáng cũng được đồng bộ giữa PS5 bản thường và Series X, tuy tôi chưa có dịp thử trên PS5 Pro nhưng theo trang chuyên đồ hoạ Digital Foundry thì PS5 Pro có vẻ được đẩy lên một mức cao hơn. Kết quả là hiệu ứng ánh sáng xuyên qua cửa kính trong khuôn viên trường học có ít răng cưa hơn, dù vẫn chưa bằng được thiết lập tối đa trên PC.
Ở những khía cạnh hiệu ứng khác, cả ba nền tảng đều gần như ngang hàng. PS5 và Xbox Series X đều chạy ở độ phân giải động dao động từ 1200p đến 1800p, trong khi PS5 Pro nâng mức tối thiểu lên 1440p và có thể đạt đỉnh ở độ phân giải 4K. Điều này giúp PS5 Pro mang lại hình ảnh sắc nét hơn đáng kể, đặc biệt là trong những cảnh có nhiều chi tiết như rừng rậm hay các loại vải vóc trên trang phục nhân vật.
Đáng tiếc, những điểm yếu kỹ thuật trên Series X cũng xuất hiện nguyên vẹn trên PS5, điển hình là vấn đề xử lý bóng đổ. Dù đã ra mắt được bốn tháng, vấn đề chất lượng đổ bóng vẫn chưa được khắc phục: các hiệu ứng đổ bóng sẽ bất ngờ tăng độ chi tiết khi người chơi lại gần và điều này xảy ra theo từng mốc cố định, khiến quá trình “nhảy” chi tiết càng dễ nhận thấy. Đây là điểm trừ lớn duy nhất trong tổng thể đồ hoạ vốn được chăm chút khá tốt.

Xử lý bóng đổ chưa thật sự tốt, bạn có thể thấy bóng của mái nhà thay đổi chi tiết khi nhân vật đến gần
Nhìn chung đây thực sự là một trong những game có đồ hoạ ấn tượng nhất hiện nay. Mỗi màn chơi đều được chăm chút tỉ mỉ với độ chi tiết đáng kinh ngạc, khiến ta có thể dành cả phút chỉ để ngắm nhìn mọi thứ xung quanh, đặc biệt là ở những khu vực có thiết kế mở. Hệ thống ánh sáng, nhất là trong các hầm mộ tối tăm, nơi RTGI phát huy tốt nhất khả năng của mình, đã để lại ấn tượng mạnh, góp phần tạo nên không khí phiêu lưu đặc trưng của dòng phim.

Các nguồn sáng trong đêm thật sự có vẻ đẹp kinh ngạc
Gameplay
Gameplay lén lút là phần ít “wow” nhất của The Great Circle. Trò chơi được thiết kế để dễ tiếp cận, và thường xuyên đưa ra đủ yếu tố hấp dẫn về hình ảnh, không khí và âm thanh để khiến bạn quên đi sự đơn giản trong cơ chế chơi. Nhưng đồng thời, cũng khó mà nói đây là một trải nghiệm thực sự thỏa mãn.
AI của kẻ địch phản ứng khá chậm chạp, mất một khoảng thời gian đáng kể để phát hiện ra người chơi, và ngay cả khi đã bắt đầu nghi ngờ, chúng cũng dễ dàng bỏ đi. Đặc biệt ở nửa sau của trò chơi, các pha hành động lén lút gần như không còn thử thách. Người chơi có thể hạ gục hàng loạt kẻ địch một cách âm thầm mà không ai để ý. Game cho phép kéo và giấu xác địch, tuy vậy tính năng về sau có thể trở nên… vô nghĩa, vì chẳng ai phát hiện ra. Hơi đáng tiếc khi game chủ yếu xoay quanh hành động lén lút nhưng lại chưa mang đến cảm giác hài lòng.

Kẻ địch mất rất nhiều thời gian để phát hiện người chơi
Tuy nhiên, một khi hành tung bị lộ, người chơi lại rơi vào tình huống khá thử thách: chỉ cần địch bao vây là Indy có thể bị “đấm tối mặt” luôn, và khi súng nổ, vài viên đạn cũng khiến nhân vật gục ngã.
Hệ thống cận chiến có thể nói là điểm cuốn hút, khuyến khích người chơi “liều một phen”, để rồi cảm thấy mỗi cuộc đụng độ đều có thể xoay chuyển tình thế. Dĩ nhiên, nhà khảo cổ của chúng ta không phải là một siêu nhân bất khả chiến bại và chỉ cần sơ sẩy để quá nhiều kẻ địch vây lại, bạn sẽ nhanh chóng bị hạ gục. Đôi lúc, chạy trốn và chờ tình hình lắng xuống lại là chiến lược khôn ngoan hơn là cố sống cố chết đến phút chót.

Những tình huống cận chiến với nhiều kẻ thù thường rất bất lợi
Có một cơ chế cũng khá thú vị là Indy không thể giữ lại vũ khí cận chiến, ngoài những món trang bị tiêu chuẩn, các vũ khí nhặt được thường chỉ dùng vài lần rồi bị hỏng, nếu thực hiện các pha kết liễu lén lúc thì chúng sẽ hỏng ngay lập tức. Mọi thứ đều có thể gãy, kể cả súng, nhưng theo cách cực kỳ sáng tạo. Khi hết đạn, súng có thể được lật ngược lại để thành gậy, thậm chí có thể làm vậy ngay cả trước khi hết đạn.

Các pha kết liễu lén lút rất đẹp mắt
Và xung quanh người chơi luôn có hàng tá vật dụng ngẫu hứng để tận dụng. Chính sự “rộng rãi” này khiến game thủ thật sự cảm nhận được cái tài ứng biến của Indiana Jones: luôn biết biến bất cứ thứ gì trong tay thành vũ khí hữu dụng và… chẳng ngại vứt đi.
Nếu nhà khảo cổ học đang cầm vật dụng linh tinh gì đó trên tay, như cây gậy hay vỏ chai, chỉ cần chuyển sang hành động nào dùng hai tay (mở bản đồ chẳng hạn), thì Indy sẽ vứt luôn vật dụng đó xuống. Điều này tạo ra một số tình huống dở khóc dở cười, như đang cầm cái xẻng rồi “check map” tí thì địch đến, lại phải quýnh quáng cầm lại cái xẻng lên.

Cơ chế “bất cần” đối với các vũ khí ngẫu nhiên đôi khi khiến người chơi rơi vào tình huống dở khóc dở cười
Khi không còn gì trên tay thì chiếc roi da đáng tin luôn là trợ thủ đắc lực, các cú quật roi có thể dùng để tước vũ khí và làm choáng kẻ địch, đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát đám đông để nắm đấm của Indy ra đòn kết liễu, mỗi cú đấm đều vang lên như tiếng nổ: dứt khoát, mạnh mẽ và đầy trọng lượng.

Bạn sẽ được xem cận cảnh biểu cảm đáng thương của kẻ địch qua góc nhìn thứ nhất.
Những màn chơi mở trong chiến dịch kéo dài khoảng 15 tiếng của The Great Circle được thiết kế rất tốt. Vatican có thể là khu vực ấn tượng nhất trong The Great Circle, nhờ thiết kế như một bí ẩn khổng lồ với mê cung hành lang, giàn giáo, sân, cùng những lối đi bí mật chằng chịt cả trên lẫn dưới lòng đất.
Chính sự dày đặc này khiến nơi đây luôn cuốn hút người chơi khám phá từng ngóc ngách, khác hẳn với những khu vực như sa mạc hay đầm lầy vốn có phần trống trải hơn. Tuy nhiên, MachineGames vẫn đáng được khen ngợi vì đã lấp đầy những khoảng đất tưởng chừng vô nghĩa bằng hàng loạt chi tiết thú vị: có thể là một tổ hợp khóa cần được giải mã từ vài mẩu ghi chú trong lều bỏ hoang, một khoảnh khắc dễ thương khi chụp ảnh chú mèo đang ngủ, hay đơn giản là giúp đỡ một người lạ bị nhốt. Quan trọng hơn hết, The Great Circle tránh được cảm giác “rộng thừa thãi” bằng cách luôn cung cấp những địa điểm giá trị cho trải nghiệm.

Thông thường, các màn chơi mở như vậy có thể là điểm yếu của những tựa game thiên về tuyến tính, nhưng The Great Circle lại khiến người chơi thích thú nhờ sự dày đặc của bí mật, vật phẩm sưu tầm và thậm chí là cả nhiệm vụ phụ
Những nhiệm vụ phụ lớn và có chiều sâu nhất trong The Great Circle được gắn nhãn là “Field Work” – đây thực chất là những nhiệm vụ cốt truyện thu nhỏ, đưa người chơi đến các góc xa xôi hơn trên bản đồ, nhưng vẫn được chăm chút như các nhiệm vụ chính, giúp khắc họa rõ nét hơn các nhân vật phụ, đồng thời bổ sung thêm bối cảnh và chi tiết quan trọng cho hành trình của Indy.
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ xoay quanh việc sưu tầm, chẳng hạn như tìm những chai thuốc hiếm để đổi lấy sách dùng để học kỹ năng, được phân loại thành “Discoveries”. Còn những câu đố nhỏ lẻ, diễn ra một lần duy nhất, được gọi là “Mysteries”. Cách phân loại rõ ràng và mạch lạc này không chỉ giúp game thủ dễ định hướng mà còn khiến thế giới trong The Great Circle trở nên sống động và hấp dẫn hơn khi khám phá từng loại nội dung đều có giá trị riêng biệt.

Một quyển sách kỹ năng trong game
Nói nhanh về yếu tố “đậm chất PS5”: phản hồi xúc giác từ tay cầm DualSense thực sự xuất sắc. Từ tiếng roi quất, cú đấm nặng tay cho đến những đoạn cắt cảnh cũng được “truyền cảm xúc” rõ nét hơn nhờ công nghệ rung độc đáo của Sony.
Lời kết

Indiana Jones and the Great Circle đơn giản là một cuộc phiêu lưu đậm chất cổ điển và giải trí đúng nghĩa. Lối chơi có phần đơn giản, nhưng bù lại là những môi trường sống động được tái hiện với độ chi tiết tuyệt vời, phần diễn xuất xuất sắc, cùng một chuyến hành trình vòng quanh thế giới đã tái hiện tinh thần điện ảnh kinh điển của loạt phim.
Và trên hết, đối với fan PlayStation, sau khi Uncharted khép lại hành trình của Nathan Drake, game thủ từng thầm tiếc nuối vì thiếu đi một tựa game phiêu lưu có chiều sâu tương tự. Giờ đây, The Great Circle không chỉ “gãi đúng chỗ ngứa”, mà còn mở ra một hướng đi mới cho thể loại hành động phiêu lưu đậm chất điện ảnh, nơi những bí ẩn cổ xưa, các ngôi mộ bị lãng quên và các âm mưu giao thoa trong một câu chuyện lôi cuốn.
Nếu đang chờ đợi bản phát hành trên PS5 để bắt đầu chuyến phiêu lưu này, thì giờ chính là thời điểm hoàn hảo. Trong các hệ máy console, PlayStation rõ ràng là nơi mang đến trải nghiệm tốt nhất nhờ tay cầm DualSense và đồ hoạ nâng cấp của PS5 Pro.