Chọn bộ sạc phù hợp cho smartphone
Trước đây, người dùng ít quan tâm đến phụ kiện sạc do thường được cung cấp kèm với điện thoại. Tuy nhiên hiện nay, đa số hãng smartphone như Apple, Samsung… không còn đóng gói sạc kèm máy, trong khi các công ty phụ kiện nở rộ khiến người dùng như “lạc vào ma trận”.

Một số mẫu sạc đang được bán trên thị trường. Ảnh: MacWorld
Cổng và tiêu chuẩn sạc
Một trong những lý do gây rối cho người dùng smartphone là sự đa dạng của tiêu chuẩn sạc. Các bộ sạc trông có vẻ giống nhau, nhưng không phải tất cả đều chung một tiêu chuẩn. Khi ra cửa hàng bán lẻ, người dùng sẽ thấy rất nhiều tùy chọn, như cổng USB-A, USB-C hay công nghệ sạc Quick Charge, USB Power Delivery.
Trong số đó, cổng USB phổ biến nhất là USB-A, hay Type-A. Cổng có hình chữ nhật này quen thuộc hàng chục năm qua và hiện vẫn tồn tại trên hầu hết máy tính, laptop hay bộ đổi nguồn. Trên lý thuyết, nó cung cấp nguồn điện 5V/2,4A – thông số đủ cho hầu hết nhu cầu sạc cơ bản. Tuy vậy, trong thời đại mà thiết bị số cần công suất sạc nhanh hơn thế, USB-A dần trở nên lỗi thời.
USB-C là chuẩn được trang bị cho hầu hết smartphone đời mới. Kích thước cổng nhỏ hơn so với USB-A, hỗ trợ công suất 20V/5A (100 W). Không chỉ smartphone, bộ sạc theo chuẩn này còn có thể nạp điện cho tablet, laptop và nhiều thiết bị dùng pin công suất cao khác. Với cáp USB-C, hai đầu cổng giống nhau cho phép đảo ngược, tức có thể cắm theo bất kỳ chiều nào mà không cần quan tâm về hướng.
Quick Charge, chuẩn sạc nhanh chủ yếu dành cho điện thoại Android có bộ xử lý Qualcomm Snapdragon, ban đầu là giải pháp để thay thế sạc 5W cũ phổ biến trước đây. Chẳng hạn, Quick Charge 3.0 có thể sạc điện thoại nhanh bốn lần so với bộ sạc 5 W. Dù vậy, chuẩn này chỉ hoạt động nếu điện thoại và bộ sạc tương thích với Quick Charge. Nghĩa là nếu smartphone hỗ trợ QC 3.0 nhưng bộ sạc không hỗ trợ hoặc ngược lại, thiết bị sẽ phải quay về tốc độ sạc chậm.
Vấn đề này đã được khắc phục trên chuẩn Quick Charge 4 và 4+, khi cả hai tương thích với USB Power Delivery (USB-PD). Bộ sạc QC 4 sẽ chuyển sang USB-PD nếu điện thoại không hỗ trợ Quick Charge.
USB-PD là công nghệ sạc nhanh mới nhưng nhanh chóng thành tiêu chuẩn trên nhiều thiết bị, gồm smartphone, tablet, laptop và thậm chí cả sạc dự phòng. Sức hấp dẫn của nó nằm ở khả năng sạc thông minh, bằng cách tự “trao đổi” để xác định lượng điện năng mà điện thoại có thể xử lý, sau đó điều chỉnh đầu ra cho phù hợp. Điều này giúp USB-PD tăng tính phổ biến và không bị ràng buộc với bất kỳ thương hiệu nào.
Tuy nhiên, không giống Quick Charge vốn có thể tương thích với USB-A, USB-PD chỉ hoạt động với cáp dùng cổng USB-C. Nhờ khả năng điều chỉnh điện áp và dòng điện khi cần, sạc này cung cấp các mức công suất như 5V, 9V, 15V hoặc 20V, với công suất đến 240W theo tiêu chuẩn PD 3.1 mới nhất.
Ngoài các công nghệ sạc nhanh kể trên, một số thương hiệu hiện nay cũng phát triển hệ thống sạc nhanh riêng. Chẳng hạn, smartphone Samsung cũ có Adaptive Fast Charging (15 W), trong khi sản phẩm mới hơn sử dụng Super Fast Charging tương thích USB-PD. OnePlus và Oppo sử dụng công nghệ độc quyền như Warp Charge hoặc VOOC cho công suất vượt 100 W, hay Xiaomi, Vivo vượt 200 W. Dù vậy, điểm trừ của các giải pháp riêng là thiết bị chỉ đạt công suất tối đa với bộ sạc của hãng đó.
Hiểu lầm về công suất xử lý
Trên bộ sạc, nhà sản xuất thường công bố mức sạc 5 W, 20 W, 25 W hay 45 W. Công suất (W) là lượng điện bộ sạc có thể cung cấp, cao hơn đồng nghĩa sạc nhanh hơn, nhưng chỉ bằng mức mà điện thoại có thể xử lý. Ví dụ, bộ sạc 5 W vẫn hoạt động với điện thoại hiện đại, nhưng tốc độ chậm. Một chiếc iPhone 15 có thể mất 3 tiếng để sạc đầy pin với sạc 5 W nhưng chỉ cần 95 phút với sạc 20 W.
Smartphone đều có giới hạn công suất. Ví dụ, Samsung Galaxy S25 có công suất tối đa 25 W, trong khi S25 Ultra tới 45 W. Nếu dùng bộ sạc 45 W, S25 vẫn không thể sạc vượt mức 25 W.
Ngoài ra, nếu dùng cáp rẻ tiền, quá trình sạc có thể bị chậm, gián đoạn, thậm chí gây hại cho máy như đoản mạch hoặc làm hỏng pin. Những loại cáp này thường có dây mỏng, gây quá nhiệt, hoặc hao mòn nhanh hơn.
Dùng cáp không phù hợp cũng khiến quá trình sạc không diễn ra như mong đợi. Đôi khi cáp đi kèm trong hộp smartphone không đạt công suất cao nhất. Để đáp ứng nhu cầu của người dùng, nhà sản xuất phụ kiện bán nhiều mẫu cáp thế hệ mới có ghi sẵn thông số công suất sạc hỗ trợ tối đa.
Chọn bộ sạc phù hợp
Smartphone thế hệ mới đều đã hỗ trợ USB-PD hoặc QC. Tuy nhiên, các công ty không bán sạc kèm trong hộp khiến việc chọn mua phụ kiện bên thứ ba trở nên khó khăn vì tiêu chuẩn không khớp nhau.
Theo giới chuyên gia, sạc giá rẻ, không tên tuổi có thể tạo sự hấp dẫn cho người dùng nhờ vào thông số như công suất lớn, thiết kế lạ… Dù vậy, để có giá thấp, chúng thường bị cắt giảm tiêu chuẩn kiểm nghiệm an toàn và chất lượng.
Nhiều công ty smartphone không còn cung cấp bộ sạc trong hộp, nhưng vẫn bán riêng. Đây được xem là lựa chọn nhanh và an toàn nhất, bởi nhà sản xuất đã tính toán cụ thể. Các thương hiệu phụ kiện nổi tiếng như Anker, Belkin, Spigen cũng có sạc tương thích với hầu hết thiết bị trên thị trường. Điểm chung của chúng là đắt hơn mặt bằng chung, nhưng có độ tin cậy, được kiểm tra kỹ, giúp bảo vệ thiết bị tốt hơn.
Người dùng cũng nên thận trọng với tuyên bố như “siêu nhanh” hay “tối đa 200 W”. Thực tế, với bộ sạc nhiều cổng, thông số này có thể chỉ đúng khi sạc với một cổng duy nhất. Nếu sạc nhiều máy cùng lúc, công suất sẽ phân bổ theo mức nhất định hoặc chia đều.
Bộ sạc chính hãng sẽ đi kèm chứng nhận an toàn, chẳng hạn USB-IF do tổ chức phi lợi nhuận USB Implementers Forum đánh giá, đáp ứng yêu cầu tương thích, hiệu suất và an toàn; CE (European Commission) – tiêu chuẩn an toàn của châu Âu; hay UL do tổ chức Underwriters Laboratories cung cấp, đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng. Các mẫu không có chứng nhận vẫn có thể hoạt động, nhưng có nguy cơ cao hơn trong việc gây hiện tượng quá nhiệt, hoặc làm hao mòn thiết bị theo thời gian.
Bảo Lâm (theo Make Use of, How-to Geek)
- Nên mua sạc dự phòng có dây hay không dây
- Chi hàng chục triệu đồng sưu tầm pin dự phòng
- Anker thu hồi pin dự phòng vì nguy cơ cháy nổ