Trải nghiệm Assassin’s Creed Shadows trên MacBook Pro M4 Pro: Thêm một cột mốc lớn chứng minh Mac có thể chơi được game AAA
Assassin’s Creed Shadows là game có đồ hoạ ấn tượng nhất trên Mac hiện nay, tuy nhiên bạn cũng cần phải có một chip M đủ mạnh để tận hưởng chất lượng đó.
- Tròn 20 năm ra mắt, Apple sẽ mang đến cho iPhone 19 Pro thiết kế “cực kỳ táo bạo”
- Exame: Apple tính toán lắp ráp iPhone tại Brazil để né thuế quan của Mỹ
- Apple ra mắt iOS 18.5 Beta 1: Đây là những tính năng mới
Kể từ khi chuyển sang dùng chip M, Apple đã cho thấy họ quan tâm hơn đến mảng gaming trên Mac và hợp tác với nhiều tên tuổi lớn trong ngành game để mang các bom tấn lên nền tảng của mình. Ubisoft là một trong những nhà phát hành tích cực nhất trong việc mang game lên hệ sinh thái nhà Táo Khuyết. Trước đó chúng ta có Assassin’s Creed Mirage trên cả Mac và iPhone/iPad, lần này, tựa game Assassin’s Creed Shadows mới nhất đã phát hành cùng lúc cho Mac và Windows.
Assassin’s Creed Shadows đánh dấu một game bom tấn phát hành trên Mac cùng lúc với Windows
Các tựa game AAA như Assassin’s Creed Shadows hiếm khi ra mắt trên Mac cùng lúc với phiên bản Windows và console. Điều này đánh dấu một cột mốc quan trọng cho gaming trên Mac, đồng thời cũng là cơ hội tuyệt vời để người chơi làm quen với series. Shadows được đánh giá là một trong những tựa game Assassin’s Creed có chất lượng tốt nhất trong những năm gần đây và hứa hẹn giúp người dùng Mac có những trải nghiệm đáng nhớ. Đáng tiếc là lần này game không phát hành trên iPhone, có lẽ vì yêu cầu đồ hoạ quá nặng, và Ubisoft cho biết game sẽ phát hành trên iPad sau.
Assassin’s Creed ngay từ cái tên đã đậm chất “sát thủ” và nói đến sát thủ thì có lẽ nhiều game thủ liên tưởng ngay đến Nhật Bản thời xưa với những ninja hay shinobi. Nhật Bản đã là bối cảnh mà ai cũng biết chắc chắn sẽ có ngày được đưa lên Assassin’s Creed, nhưng dường như Ubisoft đã tốn quá nhiều thời gian, để mất cơ hội vào tay Ghost of Tsushima và giờ phải tìm cách vượt qua cái bóng của siêu phẩm này.

Shadows đưa bối cảnh đến Nhật Bản vào năm 1579, khi lãnh chúa Oda Nobunaga tìm cách chinh phục và thống nhất các phe phái đang giao tranh.
Khác với tựa game của Sony, Shadows cho phép người chơi điều khiển hai nhân vật riêng biệt, mỗi người có kỹ năng và phong cách chiến đấu khác nhau.
Game mở đầu hơi dài dòng, vì nó có tới hai phần giới thiệu riêng biệt – một cho mỗi nhân vật – nhằm thiết lập bối cảnh cho cuộc xung đột chính, đồng thời giúp người chơi làm quen với phong cách chiến đấu của Naoe và Yasuke .
Naoe là một cô gái trẻ được huấn luyện trở thành shinobi, chuyên về ẩn thân và sự nhanh nhẹn, sử dụng vũ khí như shuriken (phi tiêu) và bom khói để che dấu vết, ám sát đối thủ.
Ngược lại, Yasuke, nhân vật vốn gây nhiều tranh cãi từ trước khi game ra mắt, có lối chiến đấu mạnh mẽ như đỡ và phản đòn kẻ thù, xô sập cả cánh cửa, có sức chịu đựng cao, nhưng ngược lại rất kém trong khoản leo trèo.
Ban đầu, Naoe và Yasuke đứng ở hai phe đối lập trong cuộc chiến, nhưng rồi số phận đưa đẩy họ hợp tác để chấm dứt xung đột. Người chơi có thể luân phiên điều khiển cả hai nhân vật trong suốt quá trình chơi, với những kỹ năng và lối chiến đấu khác nhau.

Naoe và Yasuke đứng ở hai phe đối lập
Tuy mục tiêu là mang lại sự đa dạng khi thực hiện nhiệm vụ và hạ gục kẻ địch, tạo ra sự khác biệt đáng kể với Ghost of Tsushima, nhưng cách thực hiện của Ubisoft lẽ ra có thể làm tốt hơn. Ngoài việc đổi dễ dàng khi dịch chuyển nhanh, nhiều tình huống bất ngờ cần đổi nhân vật thì người chơi phải vào menu và chờ đợi, điều này làm giảm mạnh trải nghiệm liền mạch trong game.
Như đã nói ở trên, cả hai nhân vật đều có điểm mạnh và yếu riêng, ví dụ nếu điều khiển Yasuke thì rất nhiều tình huống bạn không thể leo trèo lên điểm cao mà phải đổi sang Naoe. Còn Naoe lại khá yếu và dễ bị hạ nếu đối đầu trực tiếp nhiều kẻ địch cùng lúc và đôi khi dùng Yasuke sẽ tốt hơn trong combat. Cứ mỗi lần cảm thấy nhân vật không phù hợp, ta lại phải vào menu để chuyển, khiến người chơi có đôi chút phiền hà.
Đã có vài game trước Assassin’s Creed Shadows có hệ thống gameplay đa nhân vật như Marvel’s Spider-Man 2 mà người chơi chỉ cần vuốt touchpad và chuyển sang nhân vật khác một cách mượt mà, không cần bấm tạm dừng game. Thậm chí từ thập kỷ trước, GTA V đã có hệ thống chuyển nhân vật có thể nói là tốt nhất cho đến tận ngày nay, khi mà camera sẽ zoom ra và chuyển sang phần của bản đồ nơi nhân vật khác đang ở và zoom vào nhân vật đó, cách này có thể sẽ lâu hơn một chút nhưng không làm cho người chơi có cảm giác trải nghiệm bị ngắt quãng.
Về mặt combat thì game cơ bản vẫn gần tương tự các bản trước đó, AI được cải tiến một chút, nhân vật Naoe có lối chơi lén lút và ám sát khá tốt nếu bạn muốn chơi theo phong cách này. Bên cạnh đó camera vẫn là một “kẻ thù” ẩn khó chịu, đôi khi nếu nhân vật đang bò hoặc đứng gần góc tường, camera sẽ xoay lung tung. Hy vọng rằng Ubisoft sẽ tung ra bản vá sớm cho lỗi này.

Shadows vẫn pha trộn các yếu tố nhập vai. Bảng kỹ năng cho phép tùy chỉnh và nâng cấp khả năng chiến đấu của nhân vật.
Bên cạnh đó, các phần lựa chọn hội thoại tuy không nhiều chiều sâu nhưng vẫn mang đến một mức độ ảnh hưởng nhất định đến diễn biến câu chuyện và mối quan hệ với các nhân vật khác.
Nếu bạn là người không quá chú trọng vào cốt truyện và chỉ muốn “chặt chém” đã tay, trò chơi còn cung cấp chế độ “canon” cho phép bỏ qua hầu hết các đoạn hội thoại và tập trung hoàn toàn vào hành động. Game thủ cũng có thể chọn các chế độ tự khám phá thế giới hay theo hướng dẫn (có đánh dấu nhiệm vụ), theo trải nghiệm riêng của tôi thì chế độ tự khám phá có thể cuốn hút trong thời gian đầu nhưng về sau lại gây mất thời gian không cần thiết.
Ví dụ, trong “Way of the Blacksmith”, người chơi được giao nhiệm vụ tìm một thợ rèn tên là Heiji. Bạn được cho biết rằng người này ở phía tây nam của khu Settsu, thành phố Sakai, đâu đó phía đông bến cảng, bạn phải tự tìm ra người này. Tuy nhiên, nếu bật chế độ khám phá có hướng dẫn, trò chơi sẽ hiển thị chính xác vị trí của anh ta.

Bật chế độ hướng dẫn sẽ hiển thị cụ thể địa điểm nhiệm vụ.
Một điểm khác cần được nhắc đến, theo quan điểm cá nhân, phần lồng tiếng Anh trong game này có gì đó hơi gượng gạo và nếu được, tôi khuyên bạn nên thử chuyển sang tiếng Nhật kèm phụ đề.
Hiệu năng trên MacBook Pro M4: Đẹp đến ngỡ ngàng nhưng cái giá phải trả là không rẻ
Dù cốt truyện và nhân vật của Assassin’s Creed Shadows có thể gây tranh cãi, combat hay dở tuỳ “gu”, nhưng đồ hoạ với bản nâng cấp của Anvil Engine là một điều khó chê trách được. Ngay từ những giờ đầu tiên trong game khi được tự do khám phá, ta có thể cảm nhận được sự khác biệt lớn so với các bản Assassin’s Creed trước đây.
Từ làn sương mờ ảo vào buổi sáng sớm, ánh nắng lung linh xuyên qua tán cây, không khí oi ả giữa trưa hè với tiếng dế kêu râm ran hay ánh hoàng hôn rực rỡ, tất cả đều được mô tả chân thật. Game cũng có hệ thống thời tiết bốn mùa rất ấn tượng và có thể ảnh hưởng đến gameplay, ví dụ mùa đông tuyết dày sẽ làm nhân vật di chuyển khó khăn hơn.
Trên một PC Windows đủ mạnh, trải nghiệm đồ hoạ là “tuyệt đối mãn nhãn”, game cũng tối ưu khá tốt trên console, khi PS5 có hai chế độ là 60 fps (tương đối ổn định) và 30 fps với Ray Tracing Global Illumination, tương tự trên Xbox Series X.
Còn với Mac, Ubisoft cũng cung cấp khả năng Ray Tracing Global Illumination (phân bổ ánh sáng, không có Ray Tracing phản chiếu), và cần phải nhắc lại đây là một tựa game khá “nặng đô”.

Ray Tracing (RT) hiện diện trên mọi cấp độ đồ hoạ, nhưng tuỳ theo chip mà sẽ dựa trên phần cứng hoặc phần mềm
Theo cấu hình Ubisoft đưa ra, người dùng cần chip M1 Max trở lên để có thể chơi ở mức đồ hoạ Low và muốn chơi với RT thì phải có từ M3 Pro trở lên.
Ngoài ra, MacBook Air vốn không có quạt, và không có tùy chọn chip Pro hay Max có thể sẽ không chạy được game, hoặc nếu chạy được thì cũng gặp tình trạng lag, giật, trừ khi chuyển xuống mức đồ họa Thấp.
Vì vậy, người dùng nên cân nhắc kỹ trước khi mua game trên Mac App Store nếu chỉ đang sử dụng các mẫu máy Mac cấu hình tiêu chuẩn. Với những ai đang muốn thử thách MacBook Air M4 với tựa game này, hãy chờ đợi thêm vì chúng tôi sẽ có bài thử nghiệm trong tuần tới.

Theo bảng yêu cầu cấu hình mà Ubisoft chia sẻ, RT được chia ra làm 3 cấp trong Shadows. Theo đó, Software Selective RT sẽ dùng phần mềm do các chip không có GPU đủ mạnh để hỗ trợ RT phần cứng. Selective RT sẽ dùng sức mạnh của GPU nhưng chỉ trong Hideout, khu vực mà bạn xây dựng căn cứ của mình. Cuối cùng là Standard RT, sử dụng phần cứng GPU để RT hoạt động trên toàn bản đồ.
Với tựa game này, tôi đã thử nghiệm trên chiếc MacBook Pro phiên bản M4 Pro 48GB RAM. So sánh với tựa game Assassin’s Creed Mirage thì Shadows là nâng cấp cực lớn về đồ hoạ nên sẽ là “gánh nặng” với bất kỳ bộ máy nào.
Ở thiết lập Full HD (1920×1080) + mức đồ họa Medium Preset, khung hình có sự dao động trên dưới 40 fps, tuỳ theo bối cảnh trong game và chất lượng MetalFX. Phải công nhận rằng Medium preset với độ phân giải Full HD đã rất đẹp, chi tiết tốt, ánh sáng ổn, và không hề cảm giác “thấp cấp”.

1080p + Medium + MetalFX Performance có lẽ là “sweet spot” cho AC Shadows trên MacBook Pro M4 Pro
Tôi cũng thử lên 2560×1440 + Medium Preset + MetalFX Performance: Trải nghiệm ở độ phân giải cao hơn giúp hình ảnh nét và rõ ràng hơn, nhưng hiệu năng giảm xuống còn khoảng 33 FPS

1440p khiến FPS chỉ còn trên dưới 30, không ổn cho lắm với một game nhiều hành động
Trong cảnh Combat & camera xoay nhanh: Có những lúc chuyển động nhanh, đặc biệt khi xoay camera lúc đánh nhau, tôi có cảm giác hơi nhức mắt nhẹ, khả năng do frame rate không ổn định ở độ phân giải cao. Chuyển về lại 1080p thì dễ chịu và mượt hơn nhiều.
Cảnh giao chiến khi đưa về 1080P mượt mà hơn hẳn
Ngoài ra, khi thử giảm xuống mức Low Preset, ở độ phân giải 2560×1440, khung hình có thể đạt khoảng 46 FPS, nhưng hình ảnh xuống cấp khá nhiều, hiệu ứng ánh sáng và chi tiết bị cắt giảm đáng kể.
Vậy nên theo cảm nhận của tôi, 1080p + Medium + MetalFX Performance sẽ mang lại trải nghiệm ổn định nhất mà không đánh đổi quá nhiều. Shadows cũng đánh dấu nỗ lực lớn của Ubisoft và chip Apple M khi mang lại độ ổn định, bởi hầu như trong suốt quá trình chơi game, tôi không cảm nhận được sự trồi sụt khung hình quá mạnh và chưa bao giờ bị lùi về mức dưới 30fps.

Thử nghiệm hiệu năng AC Shadows trên M4 Pro. Tất cả các thử nghiệm đều để RT ở mức Low, và hiện tại không thể tắt hoàn toàn RT được.
Đáng ngạc nhiên là thời gian loading gần như không tồn tại. Sau khi chọn nhân vật xong, màn hình loading chỉ mất rất ít giây là đã vào thẳng game.
Bên cạnh đó Mac mini M4 tiêu chuẩn cũng được tôi đưa vào thử nghiệm với tựa game này. Cụ thể ở mức 1080p + Medium + MetalFX Performance, công cụ benchmark trả về kết quả trung bình 26 FPS và lên được 30FPS khi chuyển về mức đồ họa Low. Như vậy, chiếc Mac mini M4 có vẻ khá hụt hơi với tựa game đồ hoạ hạng nặng ký này, và đó cũng là điều dễ hiểu bởi nó sinh ra không cho mục đích “gánh” game AAA.

Game cũng hỗ trợ rất tốt tay cầm DualSense của PS5, ta có thể bấm Touchpad để truy cập Animus cực tiện. Tất cả nút bấm đều nhận đúng chức năng, không cần tùy chỉnh gì thêm.
Nhìn chung, AC Shadows có đồ hoạ cực kỳ đẹp dù chỉ chơi ở mức Medium, nhưng cùng với đó nó cũng đòi hỏi người dùng Mac phải có con chip đủ mạnh, điều đó có nghĩa rằng bạn cần phải chi nhiều tiền hơn. Nhưng biết sao được, bởi ngay cả một chiếc laptop Windows muốn chạy mượt mà tựa game AAA này cũng cần phải trang bị cấu hình mạnh mẽ cơ mà…

Biết đâu ngày xưa có “Can It Run Crysis” trên Windows thì giờ AC Shadows sẽ là cái tên trong làng “benchmark” sức mạnh dành cho những chip M tương lai cũng nên.
Hiện tại, phiên bản dành cho Mac của trò chơi này chỉ có trên Mac App Store, đồng nghĩa với việc những ai đã mua Assassin’s Creed Shadows trên Steam hoặc các cửa hàng trực tuyến khác sẽ không được tự động truy cập vào phiên bản Mac.
Đáng tiếc là không như phiên bản Mirage trước đó, Ubisoft không cung cấp demo miễn phí 90 phút để ta có thể test thử xem máy của mình có chạy ổn không trước khi xuống tiền mua, điều mà tôi thấy là khá cần thiết trên bản game mới này. AC Shadows cũng phát hành trên iPad về sau và có lẽ Ubisoft sẽ có sự tinh chỉnh lại đồ họa để phù hợp hơn với các thiết bị này.
Bước tiến lớn, nhưng cần thêm thời gian
Assassin’s Creed Shadows là một bước tiến quan trọng không chỉ với series Assassin’s Creed mà còn với ngành game trên nền tảng macOS. Việc phát hành cùng lúc với Windows đã thể hiện nỗ lực đáng ghi nhận từ cả Ubisoft và Apple trong việc mang trải nghiệm chơi game cao cấp đến với người dùng Mac.
Dù còn một số điểm chưa hoàn thiện, không thể phủ nhận rằng Shadows là một trong những game bom tấn đáng chú ý nhất từng xuất hiện trên Mac. Với sự đầu tư ngày càng mạnh mẽ từ các nhà phát hành game lớn và sự phát triển liên tục của dòng chip Apple Silicon, tương lai của gaming trên Mac đang dần trở nên sáng sủa hơn bao giờ hết.




Cuối cùng nếu là người hay làm việc/giải trí ở mọi nơi và có hầu bao dư dả, hãy lựa chọn phiên bản có màn hình phủ Nano, bởi nó giúp trải nghiệm hình ảnh ở mọi điều kiện ánh sáng tốt hơn. Cá nhân tôi có góc phòng làm việc hướng Đông nên việc lựa chọn màn hình này là tối quan trọng nếu không muốn phải nheo mắt ngồi nhìn màn hình cả ngày…